Tài Chính Phi Tập Trung (DeFi) Là Gì? DeFi Quan Trọng Như Thế Nào?

Orioi
14/11/20233 phút

Tài chính phi tập trung (DeFi) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các giao thức, sản phẩm và nền tảng dựa trên blockchain đóng vai trò thay thế cho cơ sở hạ tầng tài chính truyền thống. Các ứng dụng DeFi đang ngày càng được ưu chuộng nhờ tính minh bạch, không có giới hạn khu vực, không yêu cầu thông tin người dùng và không có thực thể tập trung nắm quyền quản lý.

Định nghĩa tài chính phi tập trung (DeFi)

Tài chính phi tập trung (DeFi) là thuật ngữ chỉ các công cụ, giao thức và nền tảng tài chính mà mọi người sử dụng để quản lý tiền của họ theo cách phi tập trung. Với những nền tảng này, người dùng không cần phải dựa vào cơ sở hạ tầng tài chính truyền thống như ngân hàng, nền tảng chuyển tiền và tiền tệ do chính phủ quản lý.

Hệ thống tiền tệ hoàn toàn mới này trao quyền cho người dùng bằng cách cung cấp giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính truyền thống cũ. Thay vì dựa vào các thực thể tập trung để xử lý các giao dịch, các giao thức DeFi lại xử lý giao dịch bằng blockchain. Cụ thể, các ứng dụng DeFi hoạt động bằng cách sử dụng các smart contract mở và minh bạch.

Smart contract là các chương trình được lưu trữ trên blockchain có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau mà không cần người trung gian. Vì Smart contract sử dụng blockchain phi tập trung nên các ứng dụng phi tập trung (dApps) hoạt động mà không có bất kỳ thực thể quản lý tập trung nào, cho phép người dùng tương tác với nhau theo cách hoàn toàn không cần đặt niềm tin (trustless).

DeFi tồn tại như một hệ sinh thái ứng dụng (dApps) cung cấp các dịch vụ tài chính khác nhau. Tuy nhiên, chúng không hoạt động giống như các ứng dụng tài chính mà bạn quen dùng. Các ứng dụng DeFi sử dụng blockchain phi tập trung nên chúng có thể thực hiện các hành động mà không cần đến thực thể tập trung.

Hiện nay, phần lớn các ứng dụng DeFi tồn tại trên chuỗi khối Ethereum. Lý do là vì Ethereum là blockchain đầu tiên hỗ trợ smart contract.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là DeFi dành riêng cho Ethereum. Trên thực tế, có rất nhiều nền tảng DeFi trên các blockchain khác như Solana và Cardano.

Tại sao DeFi lại quan trọng?

Vì blockchain hoạt động không cần giấy phép nên bất kỳ ai cũng có thể truy cập các ứng dụng DeFi bất kể họ cư trú ở đâu trên thế giới. Bất kỳ ai có ví tiền điện tử và kết nối internet đều có thể tương tác với thế giới tài chính phi tập trung mà không cần kiểm tra tín dụng, KYC hoặc các rào cản gia nhập khác. DeFi đặc biệt quan trọng đối với 1,7 tỷ người trưởng thành trên toàn thế giới không có khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng. Thông qua DeFi, những cá nhân này và nhiều người khác có quyền truy cập vào một loạt các giao thức phi tập trụng cung cấp nhiều tính năng giống như ngân hàng truyền thống.

So sánh Tài chính phi tập trung (DeFi) và Tài chính tập trung (CeFi)

Tài chính tập trung và tài chính phi tập trung có một số điểm tương đồng và nhiều điểm khác biệt. Để hiểu sự khác biệt giữa DeFi và CEFi, trước tiên chúng ta hãy xem cách thức hoạt động của Tài chính tập trung.

Tài chính tập trung (CeFi) là gì?

Tài chính tập trung trong không gian tiền điện tử thường dùng để chỉ các sàn giao dịch tập trung. Ví dụ về các nền tảng tập trung bao gồm Coinbase, Binance, Bitfinex, Gemini và Kraken. Tài chính tập trung có những đặc điểm sau:

Được điều hành bởi một tổ chức tập trung

Một sàn giao dịch tiền điện tử tập trung là một sàn được điều hành bởi một công ty trong thế giới thực. Công ty này giám sát và kiểm soát hoạt động của sàn giao dịch. Vì là một pháp nhân nên công ty sẽ phải tuân theo luật pháp tại nước sở tại.

Yêu cầu thông tin khách hàng KYC

Để truy cập các dịch vụ của nền tảng tập trung, người dùng cần phải cung cấp thông tin Know Your Customer (KYC). KYC là một phần của sáng kiến Chống rửa tiền toàn cầu.

Tóm lại, mỗi khách hàng mới phải cung cấp thông tin chi tiết và tài liệu để xác nhận danh tính của mình. Ngày nay, gần như tất cả các sàn giao dịch tập trung đều yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin KYC. Điều này tạo ra sự mất cân bằng thông tin giữa người dùng và tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính tập trung. Cụ thể, người dùng phải cung cấp dữ liệu cá nhân nhạy cảm của họ cho sàn giao dịch để truy cập dịch vụ.

Sử dụng ví lưu ký

Sàn giao dịch tập trung yêu cầu khách hàng lưu giữ tiền của họ trong ví lưu ký của chính sàn giao dịch đó. Điều này có nghĩa là sàn giao dịch kiểm soát các private key hay chính tiền điện tử trong tài khoản đó. Nếu sàn giao dịch bị hack, phá sản, bạn sẽ không có cách nào để truy cập vào tiền của mình. Đây là nhược điểm cố hữu của hệ thống ví lưu ký.

Sự khác biệt giữa CeFi và DeFi

So với CeFi, các giao thức tài chính DeFi cung cấp nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tiền của bạn. Một số sự khác biệt của DeFi so với CeFi là:

DeFi không liên quan đến các thực thể và tổ chức tập trung

Các ứng dụng DeFi không bị bất cứ tổ chức tập trung nào kiểm soát. Thay vào đó, chúng hoạt động tự động trên các smart contract.

Không yêu cầu dữ liệu cá nhân

Vì các giao thức DeFi không bị kiểm soát nên người dùng không bắt buộc phải xác định danh tính hoặc cung cấp bất kỳ tài liệu nào để truy cập các dịch vụ DeFi. Một ví tiền điện tử là tất cả những gì bạn cần để hoạt động trong thế giới DeFi.

Tự quản lý ví điện tử

Các nền tảng DeFi trao toàn quyền quản lý tài sản cho người dùng. Khi sử dụng các nền tảng này, bạn không cần tạo ví riêng giống như các sàn giao dịch tập trung. Thay vào đó, người dùng sẽ tương tác trực tiếp với nền tảng từ ví tiền điện tử không giám sát của riêng họ. Người dùng luôn có quyền kiểm soát tiền điện tử của mình. Tất nhiên là bạn phải có trách nhiệm bảo vệ private key của chính bạn.

Ứng dụng của DeFi

Tài chính phi tập trung đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Kết quả là cả số lượng và sự đa dạng của các ứng dụng DeFi đã tăng lên gấp bội. Ngày nay, có một giải pháp thay thế DeFi cho hầu hết mọi dịch vụ tài chính lớn mà bạn từng sử dụng. Sau đây là một số ứng dụng phổ biến nhất của DeFi.

Sàn giao dịch phi tập trung (DEX)

DEX, hay sàn giao dịch phi tập trung, cho phép bạn mua bán tiền điện tử, coin hoặc token. DEX có thể thực hiện giao dịch mà không cần một thực thể tập trung giám sát dịch vụ, nghĩa là bạn giữ quyền quản lý private key của mình.

Ngoài ra, sàn DEX còn cho phép người dùng giao dịch mà không cần chờ người tham gia khác. Thay vì sử dụng hệ thống sổ lệnh như sàn giao dịch tập trung, DEX tạo lệnh giao dịch bằng cách sử dụng nhóm thanh khoản và Nhà tạo lập thị trường tự động (AMM). Tóm lại, công nghệ này cho phép người dùng giao dịch trực tiếp với hệ thống.

Các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hàng đầu hiện nay là Paraswap, Uniswap và Curve.

Dịch vụ cho vay và vay DeFi

Các giao thức cho vay DeFi như Compound và Aave cho phép người dùng cho vay hoặc vay tiền điện tử một cách an toàn. Người đi vay gửi tiền làm tài sản thế chấp và thường trả lãi suất cố định, trong khi người cho vay kiếm được lợi nhuận thay đổi từ tài sản của họ.Dịch vụ cho vay DeFi cho phép bất kỳ ai có ví tiền điện tử đóng góp tiền điện tử của họ vào một giao thức. Việc này cho phép những người dùng khác có cơ hội vay nó và đổi lại, người cho vay sẽ nhận được tiền lãi. Thay vì một thực thể tập trung giám sát việc vay/cho vay, hợp đồng thông minh có thể tự thực hiện hành động đó.

Dịch vụ staking DeFi

DeFi cũng cung cấp một số lựa chọn tài chính hoàn toàn mới, một trong số đó là staking. Staking có nghĩa là bạn khoá một số loại tiền điện tử của bạn như một phần của quá trình bảo mật blockchain. Đổi lại, bạn sẽ nhận được phần thưởng từ blockchain đó. Quá trình stake sẽ mang đến cho người dùng DeFi một nguồn thu nhập thụ động không nhỏ.

Bảo hiểm phi tập trung

Các giao thức bảo hiểm phi tập trung như Nexus Mutual cho phép người dùng tự bảo vệ mình trước nhiều rủi ro trong lĩnh vực DeFi, chẳng hạn như hack, trộm cắp, flash crash. Bất kỳ ai cũng có thể đóng góp vào quỹ bảo hiểm để kiếm tiền lãi.

Phát hành tài sản tổng hợp

Các nền tảng phát hành Tài sản tổng hợp cho phép người dùng tạo nhiều loại token tiền điện tử bắt chước giá hoặc đặc điểm của một loại tiền kỹ thuật số, tài sản trong thế giới thực hoặc sản phẩm tài chính khác. Tài sản tổng hợp về cơ bản là các công cụ phái sinh tiền điện tử và chúng cung cấp cho người dùng tiền điện tử một cách để giao dịch và tiếp cận các sản phẩm tài chính phức tạp thông qua một token duy nhất. Nhờ đó, người dùng có thể tham gia vào các thị trường khó tiếp cận.

Ưu nhược điểm của DeFi

Ưu điểm của DeFi

Ưu điểm lớn nhất của các ứng dụng DeFi là tính khả dụng cao của chúng. Các ứng dụng DeFi không bị quản lý bởi các cơ quan nhà nước và không có quy tắc nào phải tuân thủ. Bất kỳ ai có ví tiền điện tử và kết nối internet đều có thể tương tác với thị trường DeFi một cách dễ dàng.

DeFi còn vượt xa việc cung cấp các dịch vụ tài chính tiêu chuẩn cho những người cần chúng. DeFi mang tới một hệ thống tài chính hoàn toàn mới dựa trên sự cởi mở và minh bạch. DeFi đảm bảo người tham gia có thể kiểm tra chính xác những gì đang diễn ra trên thị trường thông qua việc loại bỏ các bên trung gian thứ ba tốn kém, đồng thời giảm chi phí sử dụng xuống mức tối thiểu.

DeFi cung cấp cho người dùng một cách kiếm lợi nhuận từ tài sản kỹ thuật số của họ bằng cách đóng góp vào các pool cho vay. Các pool này cung cấp các khoản vay được thế chấp cho người đi vay và cho phép người dùng khác trao đổi tiền mã hoá trực tiếp với hệ thống. Những điều này rất hấp dẫn đối với người dùng vì chúng mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều so với những gì ngân hàng đưa ra.

Nhược điểm của DeFi

Giống như bất kỳ hoạt động đầu tư tài chính nào, người dùng cần nhận thức được những rủi ro khi tham gia thị trường DeFi.

Do không có thực tế tập trung hoặc cơ sở hạ tầng truyền thống, các ứng dụng DeFi không phải chịu sự giám sát pháp lý giống như các dịch vụ tài chính thông thường. Bạn không có sự đảm bảo thực sự nào về việc bạn đang tương tác với ai, điều gì smart contract hoặc dự án mà bạn đầu tư có đáng tin cậy hay không. Nếu bạn mắc sai lầm, sẽ không có ai giúp bạn lấy lại tài sản bị mất.

Tổng kết

Tài chính phi tập trung (DeFi) đã thực sự thay đổi thế giới tài chính chỉ sau một thời ngắn. DeFi mang đến sự tăng trưởng ấn tượng và mở ra cánh cửa cho cả người dùng hàng ngày và tổ chức tài chính truyền thống. DeFi không chỉ mang đến nhiều lợi ích về tài chính mà còn trả quyền tự chủ cho người dùng, giúp họ tự do quản lý và quyết định đầu tư. Song song với sự phát triển của blockchain, DeFi sẽ có nhiều bước tiến mới trong thời gian tới.

Email Của Bạn

Sao Chép Liên Kết

Đang đọc

Tài Chính Phi Tập Trung (DeFi) Là Gì? DeFi Quan Trọng Như Thế Nào?

Tài Chính Phi Tập Trung (DeFi) Là Gì? DeFi Quan Trọng Như Thế Nào?